TRÁI TIM ME ̣TOÀN THẮNG
Chương 14 - Tôn Sùng Trái Tim Mẹ Đức Mẹ đã nói rõ ràng với 3 Thiếu Nhi Fatima hai lần về sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Lần thứ nhất Mẹ nói vào lần hiện ra thứ hai, 13/6/1917, “Ngài (Chúa Giêsu) muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:161). Lần thứ hai Mẹ nói vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917, “Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”(FILOW:162). Qua hai lần đề cập đến sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ này, Đức Mẹ đều nhấn mạnh đến nguồn gốc của nó, đó là “Chúa Giêsu muốn” (lần trước) và “Thiên Chúa muốn” (lần sau). Mà, một khi Thiên Chúa đã muốn, thì “mệnh lệnh của Ngài là sự sống đời đời” (Gn 12:50).Nghĩa là, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ theo như ý muốn của Thiên Chúa là việc đẹp lòng Thiên Chúa. Càng làm đẹp lòng Thiên Chúa, con người càng được ơn nghĩa với Chúa. Càng được ơn nghĩa với Chúa, con người càng được thông hiệp với Ngài. Càng được thông hiệp với Chúa, con người càng được sống viên mãn hơn trong sự sống đời đời của Ngài. Như thế, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ chính là phương thế nên thánh, là cách thức hiệp thông với Thiên Chúa. Nói cách khác,con người có thể kết hợp với Thiên Chúa trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thế nhưng, thế nào là “tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, để có thể nên thánh và kết hợp với Thiên Chúa? Phải chăng, Đức Mẹ đã xác định thế nào là “tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” khi nói với riêng Lucia rằng “Chúa Giêsu muốn dùng con để Mẹ được nhận biết và yêu mến” (FILOW:161)? Bởi vì, sau khi nói câu này xong, Đức Mẹ đề cập ngay đến việc “Ngài muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Phải chăng, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ với việc nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ có liên hệ mật thiết với nhau? Đúng thế, phân tách kỹ lưỡng hai câu nói này của Đức Mẹ, ý tưởng chính của cả hai là “Chúa Giêsu muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”. Nhưng, Ngài muốn dùng ai để thiết lập sự tôn sùng này, theo đúng như ý muốn của Ngài, nếu không phải là Lucia: “Chúa Giêsu muốn dùng con”. Và, Chúa Giêsu muốn dùng Lucia để thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ thế nào, nếu không phải “để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”. Như thế, có thể nói: “Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ (là) nhận biết và yêu mến Me", hay, nói ngược lại cũng vậy, nhận biết và yêu mến Mẹ là tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Nếu thực sự nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ là tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thì thế nào là nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ, hay, nói cách khác, nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ hệ tại những gì, để chứng tỏ lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ của mình một cách đích thực? Phải chăng, để tìm được câu trả lời thỏa đáng và chính xác, không gì hơn là hãy nhìn vào chị Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima còn sống sót (vừa mừng sinh nhật 85 tuổi hôm 22/3/1992 vừa qua) với sứ mạng “làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”. Chị đã nhận biết và yêu mến Mẹ như thế nào? Để nhận biết Mẹ, phải chăng chị đã hết lòng tin tưởng vào những gì Mẹ hứa? Và, để yêu mến Mẹ, phải chăng chị đã tận lực làm theo những gì Mẹ chỉ bảo? Đọc Hồi Ký Lucia, nếu chú ý một chút, độc giả sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, 3 Thiếu Nhi Fatima được Đức Mẹ hiện ra và chọn làm sứ giả loan truyên sứ điệp cứu rỗi của Mẹ cho Giáo Hội nói riêng và thế giới nói chung, không được trời cao rõ ràng phân chia sứ mạng hay có giao kết gì với nhau, tự nhiên, cuộc đời của mỗi em gắn liền với một sứ mệnh. Giaxinta thì thích hy sinh cho tội nhân trở lại; Phanxicô thì chuyên tâm cầu nguyện, an ủi Chúa là Đấng quá buồn rầu; Lucia thì lo truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Có thể nói, 3 Thiếu Nhi Fatima phụ trách 3 mệnh lệnh Fatima: Giaxinta với mệnh lệnh cải thiện đời sống, Phanxicô với mệnh lệnh lần hạt Mân Côi, Lucia với mệnh lệnh tôn sùng Trái Tim Mẹ. Về GIAXINTA, Thiếu Nhi Fatima nhỏ nhất, khi Đức Mẹ hiện ra em mới có 7 tuổi, chị Lucia đã nhận định về em như sau: “Thị kiến hỏa ngục đã làm em kinh hãi đến nỗi em sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh hãm mình để có thể ngăn cản cho các linh hồn khỏi sa xuống đó” (FILOW:105). Chị Lucia còn thuật lại tinh thần của Giaxinta thế này: “Có lần, vì muốn hãm mình, em không muốn ăn, con nói với em: 'Này Giaxinta! Đến mà ăn đi chứ.' 'Không đâu! Em dâng hy sinh này cho tội nhân ăn uống quá độ.' Khi em bị bệnh mà vẫn đi lễ ngày thường, con khuyên em: 'Giaxinta, đừng đi nữa! Không sao đâu, em bất khả kháng mà. Lại nữa, hôm nay cũng đâu phải là Chúa Nhật!' 'Có đi cũng đâu có sao! Em đi lễ thay cho tội nhân bỏ lễ Chúa Nhật'...” (FILOW:106). Về PHANXICÔ, Thiếu Nhi Fatima nam nhi duy nhất, khi Đức Mẹ hiện ra em mới lên 9 tuổi, chị Lucia đã thuật lại tâm tình và tinh thần của em như sau. Để trả lời cho câu hỏi của Lucia: “Điều nào em thích hơn hả Phanxicô, an ủi Thiên Chúa hay cải hối tội nhân để các linh hồn không còn bị sa hỏa ngục nữa?”, Phanxicô thẳng thắn đáp: “An ủi Thiên Chúa vẫn hơn. Chị không nhớ à, vào lần hiện ra cuối cùng, Đức Mẹ đã buồn bã thế nào khi Người nói rằng người ta đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi? Em sẽ an ủi Chúa đã rồi sau đó mới hối cải các tội nhân để họ thôi xúc phạm đến Ngài”. Đôi lần Phanxicô còn nói với Lucia trên đường đi đến trường ở Fatima rằng: “Thôi! Chị cứ đi học đi, còn em sẽ ở lại nhà thờ này, bên cạnh Chúa Giêsu Ẩn Mình. Đằng nào em cũng sẽ về trời sớm, học hành mà làm gì. Chừng nào về, hãy ghé gọi em với nghe” (FILOW:136). Tinh thần cầu nguyện của Phanxicô chẳng những nhắm vào Chúa Giêsu, mà còn vào Đức Mẹ nữa. Chị Lucia nhận định về em như thế này: “Trong khi Giaxinta có vẻ chỉ quan tâm đến việc hoán cải tội nhân và cứu các linh hồn cho khỏi sa hỏa ngục, thì Phanxicô lại tỏ ra chỉ nghĩ đến việc ủi an Đức Mẹ, Đấng hết sức sầu bi như em thấy” (FILOW:137). Khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên, em phải đọc một ít kinh Mân Côi mới được xem thấy Đức Mẹ, và Đức Mẹ còn bảo em phải đọc kinh Mân Côi nữa mới được về trời, bởi vậy, theo Lucia thuật lại: “Thế là từ đó, em có thói quen lánh xa chúng con như thể đang đi dạo. Khi chúng con gọi em và hỏi em đang làm gì đấy, em liền giơ tay lên tỏ cho con thấy tràng hạt. Nếu chúng con nói với em cứ đến chơi xong đã rồi sau đó lần hạt chung với nhau, em trả lời: 'Bấy giờ em sẽ cầu nguyện nữa mà. Chị không nhớ Đức Mẹ bảo em phải cầu kinh Mân Côi nhiều hay sao?'” (FILOW:124). Về chính mình, LUCIA là Thiếu Nhi Fatima lớn nhất. Khi Đức Mẹ hiện ra em đã được 10 tuổi. Đối với Phanxicô và Giaxinta, Lucia được coi là đại diện. Đối với Đức Mẹ, Lucia cũng là nhân vật chính để Đức Mẹ trực thoại. Đối với Chúa Giêsu, Lucia là nhân vật sẽ sống để làm việc cho Ngài. Đối với bản thân, Lucia hình như cũng tự cảm thấy mình lớn hơn hai em nên đã hoàn toàn chủ động trong việc giao tiếp với Đức Mẹ vào những lần Mẹ hiện ra với cả ba. Phải chăng, vì tính cách quan trọng này của mình mà Lucia đã là Thiếu Nhi Fatima chịu nhiều đau khổ nhất trong sự việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima? Đối với gia đình của mình,Lucia đã bị mọi người nghi ngờ, đến nỗi, đã bị mẹ là người vẫn dạy em phải nói những điều chân thật bấy giờ lại cương quyết bắt em phải nói dối, chối bỏ việc Đức Mẹ hiện ra với em. Thêm vào đó, Lucia còn bị dằn vặt rất nhiều khi thấy mảnh đất và hoa mầu của gia đình mình bị dân chúng kéo đến cây sồi làm hư hại hết sạch, gây cho gia cảnh của Lucia trở nên túng bấn hơn. Đối với giáo quyền, Lucia bị cha xứ chất vấn và phán quyết: “Việc này cũng có thể là một trò lừa bịp của ma qủi” (FILOW:69), làm cho em bắt đầu hồ nghi việc Đức Mẹ hiện ra với 3 em. Đối với ma qủi, Lucia còn nằm mơ thấy chúng nhe răng ra cười nhạo mình vì thấy mình bị chúng đánh lừa và đang bị chúng cố lôi xuống hỏa ngục nữa. Tác dụng của lời cha xứ và hình ảnh ma qủi trong cơn ác mộng tí nữa đã làm Lucia bỏ cuộc, không đến nơi Đức Mẹ hiện ra vào lần thứ 3 là ngày 13/7/1917, lần mà, theo tinh thần và nội dung sứ điệp Fatima, là lần quan trọng nhất, lần Đức Mẹ mạc khải cho các em biết toàn bộ ba phần của Bí Mật Fatima. Ngoài ra, đối với chính quyền, em đã bị giam giữ và dọa nạt nguy hiểm đến tính mạng, đến nỗi, lần hiện ra thứ bốn, theo chương trình ấn định của Đức Mẹ, đã bị dời vào ngày 19 cùng tháng. Đối với người ta, gia đình em đã bị họ dọa ném bom vào nhà nếu phép lạ 13/10 không xẩy ra. Chưa hết, vào chính ngày 13/10/1917, lúc Đức Mẹ thường hiện ra ở cây sồi là khoảng 1 giờ trưa đã qua đi mà Đức Mẹ vẫn chưa hiện ra, em đã bị một vị linh mục hỏi em về giờ Đức Mẹ hiện ra bất mãn và đẩy em đi khỏi chỗ Đức Mẹ vẫn hiện ra, vì, theo ngài, tất cả chỉ là ngụy tạo. Thế nhưng, Lucia vẫn tin tưởng vào lời hứa không thể sai lầm và thất tín của Đức Mẹ cho đến khi tất cả đã xẩy ra đúng như em đã tin vào Mẹ. Chính vì lòng tin tưởng không hồ nghi và trung kiên này của 3 Thiếu Nhi nói chung và của Lucia nói riêng, Lucia và hai em Phanxicô và Giaxinta đã được Đức Mẹ tỏ cho biết Người là ai và Người muốn gì, như Người đã hứa vào các lần hiện ra trước đó. Phải, Đức Mẹ là ai là đối tượng của tác động “nhận biết” và Đức Mẹ muốn gì là đối tượng của tác động “yêu mến” được phát xuất từ lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Để làm cho người ta “nhận biết”, Mẹ, Mẹ đã làm phép lạ mặt trời đúng như lời Mẹ hứa với 3 Thiếu Nhi Fatima. Tuy nhiên, không phải hễ được thấy Đức Mẹ hiện ra hay thấy phép lạ mặt trời mà người ta có thể “nhận biết” Người đâu. Các thánh tông đồ từng sống bên cạnh Chúa Giêsu mà các ngài vẫn tỏ ra như chẳng “nhận biết” Chúa gì cả, đến nỗi, cho đến sát ngày chịu tử nạn, trong bữa tiệc ly, khi nghe câu hỏi của tông đồ Philip, Ngài đã phải thốt lên: “Thày ở với các con bấy lâu mà các con vẫn chưa biết Thày sao?”(Gn 14:9). Trường hợp của Lucia, vào lần Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba là ngày 13/7/1917, nếu vì cảm thấy, như chị nói với Phanxicô và Giaxinta: “Vì chị sợ rằng việc này dám bởi ma qủi lắm” (FILOW:70), mà không đến nơi Đức Mẹ hiện ra như Đức Mẹ xin với các em ở lần hiện ra đầu tiên là: “tới đây (cây sồi ở Cova da Iria) vào mỗi ngày 13 trong năm tháng liền” (FILOW:158), thử hỏi, Lucia, dù đã rõ ràng được thấy Đức Mẹ hiện ra với Lucia hai lần trước đó, có tỏ ra thực sự và hoàn toàn “nhận biết” Đức Mẹ hay chăng? Như thế, “nhận biết” Đức Mẹ không phải là tin vào Đức Mẹ hay sao. Mà, “tin” thì không còn thuộc về lãnh vực “thấy” nữa. Nếu “thấy” Đức Mẹ hiện ra mới “tin” vào Người, thì những ai không “thấy” Đức Mẹ hiện ra sẽ không thể “tin” vào Người ư? Hơn nữa, chính những kẻ được “thấy” Đức Mẹ hiện ra chưa chắc đã hoàn toàn và thực sự “tin” vào Người. “Phúc cho kẻ không thấy mà tin” (Gn 20:29) là thế. Những người không được “thấy” Đức Mẹ hiện ra vẫn có thể “tin” Người, ở chỗ, “tin” vào thực tại linh thiêng về Mẹ, thực tại mà con người không “thấy” được bằng mắt trần và phải được chính Mẹ tỏ ra. Thực tại linh thiêng về Mẹ là đối tượng của đức “tin” vào Mẹ đó là danh hiệu mà Mẹ đã tuyên bố vào lần hiện ra cuối cùng năm 1917: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”. Vâng, chính danh hiệu “Đức Mẹ Mân Côi” này của Mẹ mà bất cứ ai chấp nhận, như được sứ giả của Mẹ là Lucia lập lại qua Hồi Ký của chị, đều là những người “nhận biết” Mẹ, là những người “tin” vào Mẹ. Theo nguyên tắc và tâm lý tự nhiên, không thể chúc tụng ai nếu không biết người đó như thế nào. Cũng thế, không thể sốt sắng và tha thiết lần hạt Mân Côi là những lời kinh, nhất là kinh Kính Mừng, kinh chính trong bộ kinh Mân Côi, kinh chúc tụng Mẹ Maria tuyệt vời và chính xác nhất, đẹp lòng Đức Mẹ nhất, mà lại không hề “nhận biết” Mẹ là “Đức Mẹ Mân Côi”. Nói ngược lại, lần hạt Mân Côi sốt sắng và thiết tha là “nhận biết” Mẹ là “Đức Mẹ Mân Côi” vậy. Tuy nhiên, “nhận biết” Mẹ hay “tin” vào Mẹ không phải chỉ là tác động hiểu biết của trí khôn con người. Không phải tất cả mọi thần học gia đều là người “tin” vào Chúa hay “nhận biết” Chúa cả đâu, nếu vậy, tại sao lại có những lạc thuyết trong Giáo Hội, hay tại sao lại xẩy ra những trường hợp treo bằng giảng dạy của các nhà giáo dục về đức tin trong các trường đại học Công Giáo v.v. Tác động “nhận biết” hay “tin Tưởng” thật sự còn phải được tỏ ra bằng tác động “tuân phục” nữa mới hoàn toàn. Chúng ta tự cho mình là “nhận biết”, là “tin” vào Đức Mẹ, song lại không chịu làm theo lời Mẹ dạy bảo, thử hỏi, chúng ta nói thật hay nói dối? Do đó, nếu theo nguyên tắc, “nhận Biết” Mẹ là “chấp nhận” Mẹ, là tin vào Mẹ, như Mẹ “là”, thì, trên thực tế, “nhận biết” Mẹ còn là “vâng lời” Mẹ, như Mẹ “muốn”. Điển hình trong việc “nhận biết” Mẹ là “vâng lời” Mẹ là trường hợp của 3 Thiếu Nhi Fatima. Các em đã không tỏ ra “nhận biết” Mẹ qua việc “vâng lời” Mẹ là gì, khi các em đã làm theo hết và đúng y như những gì Mẹ muốn, như xiêng năng đọc kinh Mân Côi hằng ngày, như đến nơi Mẹ hiện ra trong 6 ngày 13 trong tháng liên tiếp, (trừ lần thứ tư xẩy ra ngoài ý muốn của các em), như hy sinh đền tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho tội nhân trở lại, như không được tiết lộ những gì Đức Mẹ không cho phép hay chưa cho phép v.v. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cũng đã tỏ ra “nhận biết” Mẹ, Đấng đã cứu mạng Ngài vào chính ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm 64 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, qua việc “vâng lời” Mẹ, khi cùng với các giám mục trong Giáo Hội hoàn vũ hiệp dâng thế giới và cách riêng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984, đáp ứng đúng như ý muốn của Thiên Chúa mà Mẹ đã cho chị Lucia biết ngày 13/6/1929. Vào ngày 13/10/1917, sau khi Mẹ tự xưng “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”, đối tượng “nhận biết” của những ai tin vào Mẹ, thì, Mẹ cũng đã tỏ ra Mẹ muốn gì. Như đã trình bày ở chương mười một, bề ngoài, Mẹ muốn một nhà thờ xây lên ở Fatima để tôn kính Mẹ, và bề trong, Mẹ muốn con người ăn năn cải thiện đời sống, bằng cách thôi xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi. Như thế, người nào nghe lời Mẹ ăn năn cải thiện đời sống là người tỏ ra “nhận biết” Mẹ. Những kẻ “nhận biết” Mẹ như vậy cũng chính là những kẻ “yêu mến” Mẹ nữa. Bởi vì, như Chúa Giêsu đã xác định và quả quyết với các thánh tông đồ rằng “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta... (hay ngược lại cũng vậy) Ai giữ lời Ta là kẻ yêu mến Ta” (Gn 14:21,23). Tóm lại, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nhận biết và yêu mến Mẹ. “Nhận biết” Mẹ ở chỗ tin rằng Người là “Đức Mẹ Mân Côi”, bằng việc tỏ ra sốt sắng và thiết tha lần hạt Mân Côi, và “yêu mến” Mẹ ở chỗ tuân theo ý muốn của Mẹ xin là “đừng xúc phạm đến Chúa nữa”, bằng việc ăn năn cải thiện đời sống. Ba mệnh lệnh Fatima là cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Mẹ liên kết với nhau hết sức chặt chẽ và thâm sâu là như thế. “Nhận biết” Mẹ Maria là Đức Mẹ Mân Côi là “nhận biết”Người là Mẹ “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, chúc tụng Người là Đức Mẹ Mân Côi là chúc tụng Người là Mẹ “Đầy Ơn Phúc”. “Yêu mến” Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ăn năn cải thiện đời sống, là giữ mình sạch tội, là đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, là trông cậy phó mình trong tay Mẹ. Vâng, Thiên Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới là để Mẹ được tất cả “những ai Thiên Chúa biết trước thì Ngài cũng tiền định” (Rm 8:29), nhận biết và yêu mến như thế. Nhưng, đối với những người được Chúa tuyển chọn để làm cán bộ phổ biến sự tôn sùng này và làm tông đồ cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, Ngài đòi họ phải “đầy Đức Mẹ” đã rồi mới có khả năng “tràn Đức Mẹ” ra cho các linh hồn. Bởi thế, muốn làm “Tông Đồ Fatima”, chẳng những họ phải thôi xúc phạm đến Chúa, mà còn phải luôn tìm dịp hy sinh để cầu cho tội nhân hối cải như Thiếu Nhi Fatima Giaxinta, phải luôn sốt sắng đền tạ Thiên Chúa cũng như Đức Mẹ hằng sầu thương vì tội lỗi loài người như Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, và phải như Thiếu Nhi Fatima Lucia luôn sẵn sàng chịu đựng mọi sự khi hoạt động cho Mẹ, với tất cả lòng cậy trông phó thác hoàn toàn nơi Mẹ, Đấng đã lấy chính mình ra để làm bảo chứng đối với họ, khi âu yếm nhắn nhủ: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường dẫn con đến với Chúa” (FILOW:67) |